Chưa đầy 1 tuần nữa, hơn 1 triệu thí sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với những điểm mới trong quy định tổ chức năm nay, thí sinh cần đặc biệt lưu ý để tránh các sai sót đáng tiếc có thể xảy ra.
Không được viết bằng bút chì trong quá trình làm bài
Theo ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT TP.HCM, điều đầu tiên thí sinh (TS) cần lưu ý là lịch thi. “TS phải luôn có mặt sớm trước buổi thi. Nếu đến chậm quá 15 phút sau khi có tín hiệu tính giờ làm bài thì sẽ không được dự thi buổi thi đó”, ông Tân nói.
Ông Lê Duy Tân cũng đặc biệt lưu ý về những vật dụng được mang vào phòng thi năm nay. “TS mang theo bút viết và chỉ nên chọn một màu mực. Trong các bút viết mang vào thì không nên mang theo bút đỏ. Bên cạnh đó, TS cần mang theo bút chì đen và gôm vì trong phần thi trắc nghiệm, TS ghi chú bằng bút viết một màu thống nhất từ đầu đến cuối và tô các ô tròn của bài thi trắc nghiệm bằng bút chì. Trường hợp tô sai có thể dùng gôm để tẩy sạch ô sai để tô lại cho đúng”, ông Tân nói.
Bên cạnh đó, ông Tân cũng lưu ý: “Trong quá trình làm bài, TS không được đánh dấu và làm ký hiệu riêng. Đặc biệt, TS không được viết bằng bút chì trong quá trình làm bài, chỉ sử dụng bút chì để tô ô trả lời trắc nghiệm”. Ngoài ra, trong khi làm bài, TS cũng cần chú ý tô số báo danh. Khi chấm thi, số báo danh được tô trên phiếu trả lời trắc nghiệm sẽ là thông tin duy nhất để công tác chấm thi và trả kết quả đúng, cũng như phản ánh đúng đề thi mà TS được nhận trong khi làm bài.
Không nên mang điện thoại đi thi
Trong chương trình tư vấn, ông Lê Duy Tân cho rằng nếu không quá cần thiết, TS nên để điện thoại ở nhà. Bởi thực tế có những trường hợp bị oan, do quá tập trung chuẩn bị cho kỳ thi nên để điện thoại trong túi áo, túi quần, quên kiểm tra và dẫn đến việc vi phạm quy chế thi không cố ý. Nếu buộc phải mang điện thoại để giao tiếp sau buổi thi, cần kiểm tra thật kỹ và để đúng nơi quy định.
Với trường hợp TS có ý sử dụng các biện pháp gian lận, ông Tân khuyên nên suy nghĩ lại. Theo phân tích của chuyên gia, kỳ thi này đánh dấu một quá trình học, hãy tận dụng cơ hội này để đánh giá năng lực của mình. Khi được đánh giá đúng, người học sẽ có lựa chọn đúng đắn con đường của mình. Nếu đạt kết quả thi tốt nhất, con đường học lên được rộng mở nhưng nếu ở mức đậu tốt nghiệp vẫn còn nhiều cơ hội khác.
“Không việc gì ở một nơi được tăng cường các biện pháp nghiêm ngặt để xử lý vi phạm mà người trẻ, ở lứa tuổi 18 lại cố ý sai phạm. Hành vi này không nên có ở lứa tuổi 18 khi chuẩn bị bước vào giai đoạn lựa chọn nghề nghiệp tương lai”, ông Tân chia sẻ. Bởi theo ông, điều này sẽ để lại dấu ấn, vết đen trong quá trình sống, học tập của TS sau này.
Chiến thuật ôn tập nước rút và làm bài hiệu quả
Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, lưu ý những việc quan trọng học sinh cần làm trong giai đoạn này là lên kế hoạch cụ thể, rà soát ôn luyện lại những phần kiến thức chưa chắc chắn. “Theo đề thi tốt nghiệp THPT các năm qua, kiến thức được tích hợp trong một thời gian dài không phải thuộc một phần nào cả. Do đó, chúng ta không thể ôn luyện trong một thời gian rất ngắn khối lượng kiến thức khổng lồ. Ở thời điểm hiện tại chúng ta cần rà soát lại, những phần nào mơ hồ cần lên kế hoạch tập trung củng cố kiến thức đó”, tiến sĩ Viên nhấn mạnh.
Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cũng có lời khuyên với TS trong giai đoạn nước rút. Cụ thể, ở giai đoạn này TS chỉ tập trung vào việc tổng hợp kiến thức. Nhiệm vụ của TS giai đoạn này là ăn đủ bữa và ngủ đủ giấc, có thể kết hợp thêm môn thể thao nhẹ nhàng để có đủ năng lượng cần thiết. Bên cạnh đó, cần chú ý ăn uống các thực phẩm đảm bảo cho sức khỏe.
“Bước vào phòng thi với tâm lý vững vàng, kiến thức có chắc chắn sẽ thành công. Có kiến thức tốt mà tâm lý bất ổn cũng chưa chắc thành công. Phụ huynh cần đồng hành cùng các TS, đừng bao giờ áp đặt với TS”, thạc sĩ Trương Quang Trị khuyên.
Chiến thuật làm bài thi: Mỗi câu không quá 2 phút
Ông Lê Duy Tân cũng chia sẻ thêm về chiến thuật làm bài trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Theo ông, khi TS nhận được đề thi, điều đầu tiên là cần đọc kỹ đề thi. Ý này rất quan trọng với môn tự luận, TS nên gạch dưới ý chính trong đề thi và thiết lập dàn bài với các ý chính, có sự phân chia thời gian phù hợp để đạt được kết quả tốt nhất.
“Bài thi trắc nghiệm có đặc trưng kiểm tra kiến thức trên diện rộng toàn bộ kiến thức ở môn học. Đề thi có nhóm câu hỏi đơn giản, có nhóm cao hơn và có những câu hỏi rất khó. Mỗi nhóm câu hỏi có chiến lược làm bài khác nhau, nhưng tựu trung cần suy luận nhanh để thấy đáp án đúng nhất”, ông Tân phân tích. Chuyên gia này cũng lưu ý, mỗi câu hỏi dành thời gian làm bài không quá 2 phút là hợp lý. “Nếu loay hoay ở câu hỏi này quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến thời gian làm bài của các câu khác. Khi thấy một câu hỏi mà tốn quá nhiều thời gian thì tạm dừng, đánh dấu vào giấy nháp để quay lại làm sau”, ông Tân nói thêm.
Chuyên gia của Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng trong bài thi được sử dụng để xét tuyển vào ĐH thường có những câu hỏi rất khó và rất ít TS có thể hoàn thành 100% câu hỏi. Với các câu hỏi rất khó, theo ông Tân, TS nên để lại trong khoảng thời gian cuối cùng buổi thi. “Chiến lược ở đây là yêu cầu không được bỏ câu nào mà không chọn đáp án cho câu hỏi đó. Có những TS rơi vào tình cảnh hoảng loạn cuối giờ thi nên có câu đánh thừa đáp án cũng không được công nhận. Việc bỏ trống là bỏ qua cơ hội ngàn vàng trong quá trình thi”, ông Tân tư vấn.